Ảnh hưởng của tuổi tác đến lông bay Lông bay

Chú chim hải âu mới ba tuần tuổi đang vỗ chiếc cánh chưa hoàn thiện của mình.

Thường thì lông bay của chim trưởng thành và chim non trong cùng một loài có sự khác biệt rất lớn. Điều này là do tất cả lông của chim non đều được phát triển cùng một lúc còn lông của chim trưởng thành thì được thay từ từ trong thời gian dài (vài năm). Với một nguồn lực có hạn, việc duy trì cả số lượng và chất lượng là khó đảm bảo; vì vậy, các lông mọc khi chim còn non (số lượng nhiều) mềm và kém chất lượng hơn so với lông trưởng thành.[53] Chim sẽ không giữ lại lớp lông non này lâu và sẽ chuyển sang lông trưởng thành khi phát triển.

Lông của chim phát triển với tốc độ khác nhau; tốc độ không đều này tạo nên các dải sáng và tối rõ rệt khi lông được hoàn thành. Những dải màu này gọi là thanh tăng trưởng và chiều rộng của mỗi thanh có thể được sử dụng để xác định tình trạng dinh dưỡng hàng ngày của chim. Việc đọc các thanh sáng tối này có thể ví giống như việc xem vòng gỗ trên thân cây. Mỗi thanh sáng và tối tương ứng với khoảng 24 giờ; bộ môn chuyên nghiên cứu về vấn đề này đã được gọi là niên sử điểu vũ học (tương tự như niên sử thụ mộc học cho cây).[54][55]

Nhìn chung, chim con có lông mỏng hơn và nhọn hơn ở phần chóp.[56][57] Điều này có thể được quan sát rõ ràng lúc chim bay, đặc biệt là ở những chim săn mồi. Cũng chính vì đầu lông nhọn hơn mà rìa cánh ở chim non có thể có dạng gần giống răng cưa, do các lông có đầu nhọn hơn, còn cánh ở chim già sẽ bằng và thẳng hơn.[56] Các lông bay ở chim non cũng sẽ có chiều dài khá đồng đều, vì tất cả chúng đều được phát triển cùng một lúc. Ngược lại, các lông ở chim trưởng thành sẽ có kích thước và thời gian sử dụng khác nhau, vì mỗi chiếc được thay vào một thời điểm khác nhau.

Lông bay của chim trưởng thành và chim non có thể khác nhau đáng kể về chiều dài, đặc biệt ở các loài chim săn mồi. Chim non thì thường có lông đuôi dài hơn một chút cùng với cánh ngắn và rộng hơn (các lông sơ cấp bên ngoài ngắn hơn còn các lông sơ cấp và thứ cấp bên trong lại dài hơn) so với con trưởng thành thuộc cùng loài.[58] Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ. Ở những loài chim đuôi dài, chẳng hạn như diều đuôi nhạn, diều ăn rắndiều ăn ong, ví dụ, con non lại có lông đuôi ngắn hơn con trưởng thành. Cũng có những ngoại lệ tương tự cho cánh chim, một số con diều thường có cánh hẹp hơn con trưởng thành, còn ở chim ưng lớn thì con non có cánh dài hơn con trưởng thành. Có giả thuyết cho rằng: những khác biệt này nhằm giúp chim non bù đắp cho việc thiếu kinh nghiệm, cơ bay đang yếu và khả năng bay thì vẫn còn kém.[58]